Tư vấn, Call: 0904.168.968

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu và biện pháp phòng tránh

NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG TIẾT NIỆU VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là một bệnh xuất hiện khi vi khuẩn gây bệnh đi vào niệu đạo và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến định cư tại nơi này. Hệ tiết niệu, bao gồm hai thận, hai niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang), bàng quang và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ niệu đạo để ra ngoài khi tiểu). Bình thường nước tiểu vô khuẩn. Cấu tạo đặc biệt ở vị trí niệu quản đoạn trong thành bàng quang có tác dụng như một van chống trào ngược nhằm ngăn ngừa nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên thận. Dòng chảy của nước tiểu là một lực cơ học giúp tống xuất vi khuẩn nếu chúng xâm nhập vào đây.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là một trong số những bệnh lý thường gặp nhất trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là ở nữ. Theo nhiều thống kê có tới 40 – 50% phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành có ít nhất một lần trong đời bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, và nhiễm khuẩn đường tiết niệu gặp ở 4 – 7% phụ nữ có thai. Tỷ lệ nhiễm khuẩn đường tiết niệu gia tăng cùng với sự tăng lên về tuổi và số lần đẻ. Một số tác giả nhận thấy khoảng 25% các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu không có triệu chứng sẽ dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu có triệu chứng, hình thái này thường dẫn đến đẻ non hoặc thai kém phát triển trong tử cung. Thời kỳ thai nghén nhiễm khuẩn  thường gặp ở 6 tháng sau của quá trình mang thai, hiếm khi ở 3 tháng đầu (chiếm 8%), trong đó nhiễm khuẩn đường tiết niệu thấp chiếm 79.4%, 10.8% nhiễm khuẩn đường tiết niệu cao, 5.1% nhiễm khuẩn đường tiết niệu không triệu chứng và 4.7% nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát.

Tỷ lệ nhiễm khuẩn đường tiết niệu nữ/nam vào khoảng 9/1. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở nam thường đi đôi với những nguyên nhân gây tắc đường bài niệu, hoặc do những vi khuẩn đặc hiệu: lậu, lao.

Ở người già, tỷ lệ nhiễm khuẩn đường tiết niệu tăng và tần suất mắc bệnh giống nhau ở cả hai giới. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra ở khoảng 5% trẻ em gái và 1-2% ở trẻ em trai. Tỉ lệ mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu  ở trẻ sơ sinh vào khoảng 0,1-1% và tăng cao đến 10% ở trẻ sơ sinh nhẹ cân. Trước 1 tuổi, trẻ trai thường bị cao hơn trẻ gái. Sau lứa tuổi này nhiễm khuẩn đường tiết niệu  thường gặp ở trẻ gái nhiều hơn so với trẻ trai. 

   Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

            Nguyên nhân: Escherichia coli (E. coli) là tác nhân gây nên 80% trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở người lớn. Vi khuẩn này thường hiện diện trong đại tràng và có thể đi vào lỗ niệu đạo từ vùng da xung quanh hậu môn và cơ quan sinh dục. Các vi khuẩn khác gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu bao gồm: Staphylococcus saprophyticus, Klebsiella, Proteus chiếm khoảng 15%

            Yếu tố nguy cơ: Vệ sinh kém. Thủ thuật thông tiểu là yếu tố nguy cơ gây bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nếu ống thông lưu càng lâu ngày thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Cản trở đường ra của nước tiểu như: Tắc nghẽn đường ra của bàng quang do sỏi tiết niệu hoặc u xơ tiền liệt tuyến, ứ đọng nước tiểu, hẹp bao quy đầu, uống ít nước. Những dị tật bẩm sinh của đường tiết niệu, đặc biệt là trào ngược bàng quang-niệu quản. Suy giảm miễn dịch. Đái tháo đường. Có thai hoặc mãn kinh. Bất động lâu ngày (chấn thương, bại liệt), Giao hợp với nhiều bạn tình

Chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn đường tiết niệu
            Hội chứng bàng quang: đái buốt, đái rắt, đái máu, đái mủ cuối bãi.
Không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, nhiễm khuẩn nung mủ có thể sốt cao.
Bạch cầu niệu > 5.000 BC/phút, có tế bào bạch cầu đa nhân thoái hóa.
Vi khuẩn niệu > 100.000 VK/ml nước tiểu.
Protein niệu (-), trừ trường hợp có đái máu hoặc đái mủ đại thể.
Siêu âm, X quang có thể thấy yếu tố thuận lợi: sỏi thận tiết niệu, phì đại lành tính tiền liệt tuyến…
Hướng điều trị
            Kháng sinh chống nhiễm khuẩn
Uống nhiều nước: lượng nước tiểu > 1,5 lít/24giờ.
Điều trị loại bỏ yếu tố thuận lợi, tác nhân gây bệnh:
Tán sỏi hoặc mổ lấy sỏi.
Điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt bằng phẫu thuật nội soi hoặc bằng phương pháp Laser …

Phòng bệnh 

Biện pháp chung nhất là gìn giữ vệ sinh cá nhân tốt, biết cách vệ sinh tránh viêm tiết niệu.

Uống đủ nước giúp tăng lượng nước tiểu để tống xuất tác nhân gây bệnh là vi khuẩn khỏi đường tiết niệu

Không nên nhịn tiểu (trừ trường hợp có lời khuyên của bác sĩ)

Tránh các chất có thể gây kích thích niệu đạo (nằm trong bồn tắm hòa xà bông, chất khử mùi tại chỗ).

Tắm vòi hoa sen, không nên tắm bồn tắm

Ăn ngủ điều độ

Vệ sinh ngoài bộ phận sinh dục trước khi giao hợp

Đi tiểu trước và sau khi giao hợp

Thay tã cho trẻ ngay khi dính phân

Cần tập cho các bé gái thói quen lau hậu môn từ trước ra sau khi làm vệ sinh sau đại tiện tránh đưa vi khuẩn từ vùng hậu môn vào lỗ niệu đạo

Nếu phụ nữ đang độ tuổi sinh hoạt tình dục mà thường xuyên bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu  thì nên xem lại tư thế giao hợp nhằm tránh bớt các tư thế gây tác động nhiều đến lỗ niệu đạo

 

Ths. Lê Quang Trung

(Bản quyền thuộc trang web phukhoahaiduong.com, Phòng khám Phụ sản Bạch Mai)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *