SUY SINH DỤC NAM
Suy sinh dục nam là một bệnh bẩm sinh hay mắc phải, gây nên hiện tượng các tế bào Leydig của tinh hoàn bị thoái triển, không sản xuất được hoặc sản xuất được ít nội tiết tố testosterone trong cơ thể. Từ sự suy giảm nội tiết tố testosterone gây nên hàng loạt các hội chứng bệnh trên các phủ tạng chịu tác động bởi testosterone.
1. Tóm tắt cơ chế sinh lý
Nội tiết tố LH được sinh ra từ tuyến yên kích thích tế bào Leydig của tinh hoàn sản sinh ra testosterone.
Androgen là nội tiết tố quan trọng cần thiết cho sự tiến hoá giới tính bình thường, sự lớn lên và phát triển duy trì các đặc trưng giới tính thứ cấp. Androgen kích thích sự ham muốn tình dục. Androgen kết hợp với nội tiết tố FSH trong quá trình sản xuất tinh trùng.
2. Nguyên nhân
2.1 Tại tinh hoàn
2.1.1. Bị cắt tinh hoàn trong một số trường hợp bệnh lý và chấn thương.
2.1.2. Chấn thương: Dập nát dẫn tới xơ hoá hoàn toàn tinh hoàn .
2.1.3. Viêm mãn tính dẫn tới xơ teo tinh hoàn.
2.1.4. Teo tinh hoàn do tinh hoàn không ở biù mà bị lạc chỗ sang các vị trí khác thường như ở trên nếp mu, ở trong ổ bụng , ống bẹn v..v…
2.1.5. Khối u tinh hoàn
2.1.6. Những người mắc một số bệnh như ung thư tuyến tiền liệt phải dùng nhiều loại thuốc điều trị nội tiết tố kháng androgen
2.2 Ngoài tinh hoàn
2.2.1 Các bệnh rối loạn về gen gây loạn sản tinh hoàn như các hội chứng :
– Hội chứng Klinefelter ( 47 XXY)
– Hội chứng Turner ( 45 X)
– Hội chứng Turner với X Chromatin dương tính
– Hội chứng Turner với X Chromatin âm tính
2.2.2 Các bệnh rối loạn về các men sinh dục
2.2.3 Bệnh suy tuyến yên ( Bẩm sinh hoặc mắc phải) gây suy giảm các hormon LH và FSH.
3. Chẩn đoán
3.1 Các triệu chứng lâm sàng.
– Triệu chứng lâm sàng của hội chứng suy giảm nội tiết tố testosterone trong máu:
Giảm khả năng làm việc
Giảm nhận thức,
Giảm mật độ xương, giảm khối lượng cơ, giảm sức cơ, tăng mô mỡ.
Giảm sản xuất huyết cầu.
Trầm cảm, giảm libido, rối loạn cương… Một số tác giả còn cho rằng tình trạng giảm nội tiết tố nam còn có thể liên quan đến các bệnh lý như tiểu đường và các bệnh tim mạch.
– Khám thực thể :
Số lượng và phân bố lông trên cơ thể.
Vú có to ra không và đến mức độ nào.
Tinh hoàn teo nhỏ, tinh hoàn không ở trong bìu (sờ thấy tinh hoàn ở trên ống bẹn hoặc không sờ thấy hoàn toàn tinh hoàn ở trong bìu)
Kích thước dương vật
3.2 Cận lâm sàng
3.2.1 Định lượng cả 5 yếu tố nội tiết tố: LH, FSH, Prolactine, Estradiol, testosterone để tìm các rối loạn về nội tiết tố sinh sản .
– Xét nghiệm hormone kích thích hoàng thể (LH- Luteinizing hormone)
LH là một trong các hormone hướng sinh dục được sản xuất ra từ tuyến yên. LH được tiết ra theo từng nhịp phóng thích trong ngày. Thời gian bán thải của LH là 50 phút. Vì vậy nồng độ của nó luôn thay đổi trong ngày. LH có tác dụng kích thích tế bào Leydig ở tinh hoàn để sản xuất để sản xuất testosterone. Việc bài tiết LH phụ thuộc vào nồng độ Testosteron trong máu. Nếu nồng độ testosteron trong máu thấp thì sự bài tiết LH tăng lên nhằm đưa Nồng độ Testosteron trở lại bình thường. Ngược lại, khi nồng độ testosteron trong máu tăng cao thì sự bài tiết LH lại giảm đi nhằm lập lại trạng thái cân bằng các hormone trong cơ thể.
Việc định lượng LH trong máu, cho phép chẩn đoán phân biệt tình trạng suy sinh dục là do suy tuyến yên hoặc vùng dưới đồi hay do suy tinh hoàn. Khi nồng độ LH thấp thường gặp trong các trạng thái suy sinh dục do suy tuyến yên hoặc vùng dưới đồi. Ngược lại, nếu nồng độ LH tăng cao thì nghi ngờ đến khả năng suy sinh dục do suy tinh hoàn. Trường hợp này điều trị vô sinh bằng thuốc sẽ không có hiệu quả mà phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Nồng độ LH huyết thanh: 4,1 ± 1,8IU/L
– Xét nghiệm hormone kích nang (FSH- Follicle stimulating hormone).
FSH là một trong các hormone hướng sinh dục được sản xuất ra từ tuyến yên. FSH được tiết ra theo từng nhịp trong ngày. Thời gian bán thải của FSH từ 3-5 giờ. Vì vậy nồng độ của FSH ít thay đổi trong ngày.
Tác động chính của FSH là tăng cường nuôi dưỡng các tế bào Sertoli và kích thích tế bào này sản xuất ra hormone inhibin. Có 2 loại inhibin A và B. Inhibin có tác dụng điều hòa quá trình sản xuất FSH. Ở người, chỉ inhibin B là có tác dụng mà thôi. Ngoài ra, FSH cùng với testosteron kích thích tế bào mầm để tạo tinh trùng. Sự bài tiết FSH chịu ảnh hưởng bởi các inhibin. Nồng độ inhibin lại được điều phối bởi số lượng tinh trùng được tạo ra trong các ống sinh tinh. Khi sự sản xuất tinh trùng giảm thì sự bài tiết các inhibin giảm đi do đó nồng độ FSH tăng lên.
Việc định lượng FSH có giá trị đánh giá một số trường hợp rối loạn quá trình sinh tinh. Khi quá trình sinh tinh bị suy giảm thì nồng độ FSH tăng cao.
Nồng độ FSH huyết thanh bình thường: 5,3 ± 2,5 IU/L
– Prolactin
Prolactin là một hormon tuyến yên cần thiết cho tiết sữa, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tuyến sinh dục. Prolactin được giải phóng theo từng đợt. Có khoảng 14 nhịp phóng mỗi ngày, mỗi đợt cách nhau chừng 95 phút (Vancauter, 1981). Nồng độ prolactin thấp nhất vào buổi trưa và tăng dần vào buổi chiều. Lúc bắt đầu ngủ nồng độ tăng thêm và đạt đỉnh cao từ nửa đêm đến sáng. Ở nam giới tăng prolactin gây rối loạn cương dương (8%), rối loạn cương dương, vô sinh (5%) và gây ức chế sự bài tiết FSH, LH và Testosterone.
Prolactin được chỉ định trong các trường hợp giảm LH và FSH, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hay rối loạn xuất tinh. Trong trường hợp nghi ngờ có khối u tăng tiết prolactin (prolactinoma) thì việc định lượng prolactine là chỉ định bắt buộc.
Khi đánh giá kết quả, phải chú ý có rất nhiều yếu tố có thể gây tăng prolactine giả tạo. Đặc biệt là trong tình trạng có dùng một số thuốc gây tăng prolactin máu. Khi lượng prolactin ở mức 500-1000 mU/l thì cần phải làm lại xét nghiệm một lần nữa trước khi bắt tay vào điều trị bằng thuốc.
– Estrogen
Tăng estrogen có thể do nội sinh hay ngoại sinh. Đo lường estradiol ở nam giới rất phức tạp bởi vì nồng độ đo được ở nam giới bình thường rất thấp và không đáng tin cậy lắm. BN có estrogen tăng cao thường có nữ hóa tuyến vú hai bên, rối loạn cương và teo tinh hoàn. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất đó là béo phì nặng. Nguyên nhân là do tế bào mỡ chứa enzyme aromatase chuyển hóa testosterone thành estradiol( Schneider et al, 1979 ). Estradiol thường kích thích sản sinh SHBG ở gan, thành phần làm giảm nồng độ tetosterone tự do. Song vẫn có nhiều BN béo phì nặng cũng có rối loạn chức năng gan và nồng độ SHBG có thể bị ức chế( Glass et al, 1977 ). Nồng độ FSH, LH,testosterone thường thấy bình thường ở BN tăng estradiol nhẹ. Tuy nhiên, cần phải xác định estradiol trong các loại u sinh estrogen (estrogen producing tumors) như u tế Leydig. Bởi loại u này có thể ức chế/làm giảm gonadotropins và testosterone.
– Testosteron.
Testosteron là một loại hormone sinh dục do tế bào Leydig của tinh hoàn tiết ra dưới tác động của LH. Sau khi được tạo ra, testosteron chuyển hóa thành hai hormone khác là dihydrotestosterone và estradiol. Từ đó chúng mới gắn vào các cơ quan đích và phát huy tác dụng. Testosteron chịu trách nhiệm phát triển cơ thể trong thời kỳ kỳ dạy thì, đặc biệt là phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát. Bao gồm: Phát triển dương vật, tinh hoàn, mọc dâu và lông của cơ thể, phát triển tiền liệt tuyến và phát triển cơ và xương. Ngoài ra, testosteron cùng với FSH còn có tác động lên các ống sinh tinh nằm bên trong tinh hoàn, để kích thích các ống này sản xuất tinh trùng. Đây là một tác dụng quan trọng của testosteron.
Testosterone lưu hành chủ yếu dưới dạng gắn với globuline. Đây là dạng dự trữ, không có tác dụng sinh học. Một lượng nhỏ khoảng 1-2% tồn tại dưới dạng tự do. Đây mới chính là dạng có tác dụng sinh học. Trên thực tế lâm sàng, người ta thường định lượng lượng Testosterone toàn phần trong huyết thanh. Vì phương pháp định lượng loại này đơn giản, ít tốn kém. Tuy nhiên trong những trường hợp cần thiết, người ta vẫn định lượng testosterone tự do. Mặc dù phương pháp định lượng loại này phức tạp và giá thành rất cao.
Việc định lượng testosteron có chỉ định khi có nghi ngờ hội chứng suy sinh dục, hay dùng để theo dõi và điều chỉnh liều trong quá trình điều trị.
Tuy nhiên, do testosteron có nhịp độ giao động rất lớn trong ngày nên nồng độ testosteron đo vào buổi sáng sẽ cao hơn buổi chiều khoảng 20-30%.
Nhận định kết quả xét nghiệm: Giá trị bình thường của testosteron trong huyết thanh của nam giới trưởng thành dao động từ 12-40 nmol/l. Khi nồng độ testosteron dưới 9 thì chắc chắn có suy sinh dục. Khi nồng độ này dao động từ 10-12 phải kiểm tra lại xét nghiệm một lần nữa và chý ý đến các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả như sau:
Thời điểm lấy máu trong ngày
Các yếu tố làm sai lệch kết quả: Bệnh lý kèm theo, thuốc
Phương pháp xét nghiệm khác nhau sẽ có giá trị bình thường khác nhau.
3.2.2 Các xét nghiệm về gen
– Nhiễm sắc thể XY
– Vật thể Barr
– Phản ứng di truyền TDF để tìm dấu vết của gen hình thành tạo tinh hoàn
3.2.3 Chẩn đoán hình ảnh để tìm hình ảnh tinh hoàn và các bộ phận của nam giới.
– Siêu âm
– Chụp vi tính cắt lớp vùng tiểu khung
– Nhấp nháy đồ (scintigraphie)
4. Phân tuyến
4.1 Tuyến xã và tuyến huyện:
Làm chẩn đoán ban đầu dựa vào thăm khám lâm sàng rồi chuyển bệnh nhân đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương.
4.2 Tuyến tỉnh và trung ương:
Tiếp tục thăm khám để làm chẩn đoán xác định, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thực thụ.
5. Điều trị
5.1. Bồi phụ nội tiết tố LH dưới dạng thuốc Gonadotrophile endo chorionic dưới dạng thuốc tiêm.
Pregnyl 500 IU, 1000 IU, 1500 IU (tiêm bắp). Liều lượng tùy theo lứa tuổi.
5.2. Bồi phụ testosterone
5.2.1 Dạng uống: Liều lượng tùy theo lứa tuổi
– Undecanoate testosterone 40 mg / viên
– Mesterolone 25 mg/ viên
5.2.2 Dạng tiêm: Liều lượng tùy theo lứa tuổi
Mesterolone 250mg / 1 ống / 1 tuần x 4 tuần lễ (tiêm bắp).
Sustanon 250 mg/1 ống (tiêm bắp)
Tác giả: Ths. Lê Quang Trung
(Bản quyền thuộc trang web phukhoahaiduong.com)
Thông tin trên mang tính tham khảo, phòng khám không chịu trách nhiệm về việc người bệnh tự ý áp dụng các thuốc trên)