Thận nằm hai bên cột sống, dài khoảng 11,2 cm, rộng 5- 7,5 cm, dày 2,5 cm. Thận là một cơ quan có chức năng quan trọng trong cơ thể. Thận có hai chức năng chính là: Chức năng ngoại tiết có tác dụng đào thải khỏi cơ thể các sản phẩm không cần thiết đối với cơ thể. Chức năng nội tiết duy trì số lượng hồng cầu và huyết áp
Bình thường khi người phụ nữ mang thai, hai thận tăng kích thước khoảng 1cm và nặng thêm khoảng 4,5 g, mức lọc cầu thận tăng 50% và lưu lượng máu qua thận cũng tăng 200 – 250 ml/ phút, chức năng bài tiết của thận thay đổi biểu hiện bằng sự mất một số chất dinh dưỡng trong nước tiểu, các acid amin và vitamin tan trong nước tìm thấy trong nước tiểu của thai phụ nhiều hơn so với người không có thai, tuy nhiên protein và hồng cầu thường không có trong nước tiểu. Từ quí hai thời kỳ thai nghén sự thay đổi nội tiết cùng với thể tích tử cung to nhanh chèn ép vào vùng lân cận trong tiểu khung trong đó có niệu quản và bàng quang.
Bệnh thận và tình trạng thai nghén liên quan mật thiết với nhau. Khi có thai cơ thể thay đổi rất lớn về giải phẫu, sinh lý gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh thận. Chẩn đoán xác đinh và theo dõi điều trị bệnh thận ngoài các triệu chứng lâm sàng: Đau hai bên thắt lưng, sốt, đái buốt, đái dắt, đái máu, đái mủ, phù, tăng HA, thiểu niệu, vô niệu, protein niệu… cần kết hợp mật thiết với các xét nghiệm cận lâm sàng như: Sinh hóa máu, nước tiểu, siêu âm…
Một số nghiên cứu trên trên thế giới đã chứng minh thai nghén làm tăng nguy bệnh thận tiềm tàng, theo nghiên cứu Katz và cộng sự, chức năng thận bị suy trong thời gian mang thai chiếm 16% phụ nữ mắc bệnh thận nhẹ. Theo David C và Hayslett (1996) khi người phụ nữ bị suy thận nhẹ mang thai, tiến triển bệnh nặng lên thành suy thận vừa và nặng chiếm 43%
Theo nghiên cứu Sharon E. Maynrd và Ravi Thadhani trong bệnh thận, đo lường chức năng thận và protein niệu là những tiêu chuẩn cận lâm sàng hàng đầu xác định bệnh lý của thận.Việc đánh được giá đúng chức năng thận trong thai kỳ giúp cho việc lựa chọn thuốc phù hợp trong điều trị bệnh thận.
Bệnh thận khi có thai gây nhiều ảnh hưởng xấu đối với thai phụ cũng như sự phát triển thai nhi. Theo David. Jones và John P. Hayslett: Tỷ lệ đẻ non ở thai phụ mắc bệnh thận là 59%, tỷ lệ thai chậm phát triển trong tử cung là 39 %, Theo nghiên cứu Okundaye (1998): Tỷ lệ sảy thai ba tháng đầu là 25%, ba tháng giữa 16,8%, thai phụ mắc bệnh thận tỉ lệ tử vong chu sinh là 8,2%.
Hướng xử trí thai phụ mắc bệnh thận thường kết hợp nhiều phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa và can thiệp sản khoa.
Ở Việt Nam, khi nghiên cứu hướng xử trí sản khoa thai phụ mắc bệnh thận tại bệnh viện, đã cho thấy khi chức năng thận suy, tuổi thai dưới 22 tuần tỷ lệ can thiệp sản khoa là 78,2%, trong đó tuổi thai < 12 tuần tỷ lệ đình chỉ thai nghén chiếm 81,8%- 88,9%.
Tuổi thai 22 – 37 tuần, khi thai phụ bị suy thận, đình chỉ thai nghén chiếm tỷ lệ 89,2%, với các phương pháp như: Tuổi thai 28 – < 33 tuần, đình chỉ thai nghén gây chuyển dạ, tuổi thai 33 – 37 tuần đình chỉ thai nghén bằng phương pháp mổ lấy thai chiếm phần lớn. Khi tuổi thai trên 33 tuần tỷ lệ trẻ sống cao, phương pháp mổ lấy thai được lựa chọn chủ yếu để tránh gây những sang chấn cho đứa trẻ.
Việc xử trí nội khoa phối hợp sản khoa trong nhóm điều trị thuốc hạ áp, đình chỉ thai nghén chiếm 83,5%. Thuốc kháng sinh sử dụng trong bệnh thận và thai nghén, nhóm thuốc cephalosporin được sử dụng chủ yếu để phòng chống nhiễm trùng và phần lớn thuốc kháng sinh sử dụng sau đình chỉ thai nghén. Trong nhóm bệnh thận sử dụng thuốc kháng viêm (steroid, non-steroid, ức chế miễn dịch), tỷ lệ can thiệp sản khoa là 94,1%
Để tránh có một thế hệ tương lai mạnh khỏe cho đất nước, một kỳ thai nghén an toàn, người phụ nữ trước, trong khi mang thai nên thăm khám và làm một số xét nghiệm cơ bản để kiểm tra chức năng thận, và đặc biệt ở những phụ nữ có tiền sử bệnh thận – tiết niệu. Đối với những thai phụ mắc bệnh thận – tiết niệu cần được theo dõi sát trong quá trình mang thai để hạn chế ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ cũng như thai nhi, đảm bảo quá trình mang thai và khi sinh được an toàn.
Tác giả: Ths. Lê Quang Trung
(Bài viết có bản quyền thuộc trang phukhoahaiduong.com)