Cách phòng tránh Rubella cho thai phụ
Bệnh rubella được biết đến từ năm 1814, được mô tả và đặt tên là “bệnh sởi Đức”. Rubella tên được bắt nguồn từ một thuật ngữ Latin có nghĩa là “nhỏ màu đỏ.” Bệnh rubella do virus Rubella , thuộc họ Togaviridae, nhóm rubivirus gây nên.
Virus rubella gây bệnh chủ yếu ở da và hạch bạch huyết, bệnh thường lây truyền qua dịch tiết mũi họng, cũng có thể lây truyền qua đường máu của người mẹ vào bào thai gây nên bệnh rubella bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Rubella thường là một bệnh lành tính, diễn biến của bệnh rubella mắc phải ở trẻ em thường là nhẹ nhưng rubella bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gây nên những hậu quả nặng nề. Đây thực sự nỗi lo của thai phụ và gia đình thai phụ.
Bệnh lan rộng khắp các nước trên thế giới, thường xuất hiện vào mùa đông xuân. Sau khi nhiễm bệnh một lần trong cuộc đời, hầu như hiếm khi bị lại. Trong khoảng thời gian từ một tuần trước phát ban và trong lúc phát ban là thời gian mà người bệnh có khả năng lây bệnh cao nhất. Sự nguy hiểm ở đây là bệnh rất dễ lây lan và nguồn lây bệnh không thể phát hiện được cho đến khi người bị nhiễm có triệu chứng phát ban một tuần sau đó. Biện pháp cách ly người bệnh đến thời điểm này cũng được xem là đã quá trễ.
Cách lây truyền bệnh: Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn của dịch tiết đường hô hấp nhất là khoảng một tuần trước đến một tuần sau khi phát ban.Lây truyền từ mẹ sang con: do mẹ bị nhiễm bệnh lây sang cho con trong bào thai. Ở trẻ em mắc bệnh Rubella bẩm sinh, ngoài lây qua đường dịch tiết hô hấp còn có thể lây qua nước tiểu sang người chưa có miễn dịch với Rubella trong vài tháng.
Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh
Trong thời gian gần đây ở nước ta, tỷ lệ rất lớn người bệnh nhiễm rubella đang lây lan và chưa có dấu hiệu chững lại, trong đó có rất nhiều phụ nữ mang thai nhiễm rubella đã phải đình chỉ thai nghén bỏ thai do ảnh hưởng nguy hiểm đối với thai nhi.
Triệu chứng lâm sàng
Thời gian ủ bệnh: Từ khi người bình thường bị nhiễm virus tới khi xuất hiện những biểu hiện ban đầu được gọi là thời gian ủ bệnh. Trung bình thời gian ủ bệnh rubella là 18 ± 5 ngày.
Biểu hiện lâm sàng và mức độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi theo từng lứa tuổi tuổi.
Biểu hiện khởi đầu của bệnh rubella thường gặp là sốt chiếm tỷ lệ khoảng 80-90%, thường sốt nhẹ và vừa.
Biểu hiện nổi bật nhất của bệnh là phát ban ở da. Hầu hết các bệnh nhân có ban bắt đầu xuất hiện ở mặt, lan nhanh khắp người không theo thứ tự trong vòng 24 giờ. Ban là những chấm hồng hoặc đỏ nhạt, thường đứng riêng rẽ chiếm khoảng 80%, nhưng có thể chụm thành đám phẳng đổi màu. Ban tồn tại trung bình khoảng 3 ngày
Đối với trẻ em mắc Rubella, sưng hạch là biểu hiện thường gặp chiếm khoảng 70% số bệnh nhân, thường gặp hạch dọc theo cơ ức đòn chũm.
Đau khớp hoặc đau khắp người, thường gặp ở phụ nữ, đau các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng.
Phụ nữ mang thai nhiễm rubella là một nỗi lo ngại. Bởi phụ nữ mang thai ở giai đoạn càng sớm thì nguy cơ xảy ra các biến cố cho thai nhi càng cao. Hội chứng rubella bẩm sinh (congenital rubella syndrome – CRS) là hậu quả nghiêm trọng của bệnh gây ra khiếm khuyết ở bào thai. Thai phụ bị nhiễm virus Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ thì có tới 90% thai nhi bị ảnh hưởng như thai chết lưu, sẩy thai tự nhiên… Khi thai phụ nhiễm bệnh ở những tháng sau, khả năng ảnh hưởng trên thai giảm dần (khoảng 50% từ 12 – 17 tuần thai; 20% từ 17 – 20 tuần thai), sau 20 tuần thì hầu như rất ít ảnh hưởng đến thai. Trẻ sinh ra có thể mắc các dị tật như: còn ống động mạch, thông liên thất, hẹp động mạch phổi, loét giác mạc, đục thủy tinh thể, viêm võng mạc, nhãn cầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ và điếc. Theo nghiên cứu tại bệnh viện phụ sản Trung Ương năm 2011 cho thấy: 28 trẻ bị rubella bẩm sinh, trong đó 24 trẻ sống, 4 tử vong, tỉ lệ 100% các bé được sinh ra trong tình trạng thiểu ối và cạn ối, ngay sau sinh xuất huyết dạng nốt và giảm tiểu cầu, tỉ lệ suy dinh dưỡng bào thai là 100%.
Trong trường hợp hiếm gặp, nhiễm rubella có thể giảm số lượng tiểu cầu, có thể gây ra biến chứng chảy máu, viêm não, rối loạn thần kinh như: co giật, chậm chạp, đờ đẫn, nói sảng, hôn mê.
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu tìm kháng thể chống virus rubella. Có hai loại kháng thể: IgM xuất hiện ngay sau có bệnh (thường sau sốt, phát ban vài ngày) và tồn tại khoảng 6 – 8 tuần thì hết hẳn; IgG xuất hiện sau IgM từ 1 – 2 tuần, tăng nhanh chóng trong khoảng 2 – 3 tháng liên tục rồi giảm dần nhưng không bao giờ mất hẳn. Do tính chất như vậy, có khi phải xét nghiệm tìm các loại kháng thể trong vài lần liên tục mới có thể khẳng định có phải đã bị bệnh trong quá khứ hay mới nhiễm rubella.
Phân lập tìm virus Rubella: Xét nghiệm rất tốn kém, mất thời gian và chỉ coi là một chẩn đoán mang tính chất nghiên cứu hoặc kiểm chứng sự có mặt của virus trong cơ thể người bệnh.
Điều trị:
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu với bệnh rubella.
Các biện pháp chủ yếu vẫn là điều trị các triệu chứng như: Sử dụng thuốc hạ sốt khi bệnh nhân sốt cao. Khi bệnh nhân phát ban, chán ăn, mệt mỏi cần sử dụng các vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin AD, cho ăn lỏng, thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn rau quả, uống nhiều nước quả và có thể truyền dịch để tránh mất nước và rối loạn điện giải trong máu. Vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh da và vệ sinh răng miệng phòng tránh nhiễm khuẩn thứ phát.
Phòng bệnh:
Hai biện pháp chính của phòng bệnh là cách ly và tiêm phòng bằng vaccine
– Từ năm 1969 ứng dụng tiêm phòng vaccine Rubella giảm độc lực vào phòng bệnh Rubella. Việc bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh Rubella là thông qua tiêm phòng vaccin Rubella, được ứng dụng tạo nên miễn dịch bền vững chống lại bệnh Rubella. Năm 2005, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC) đã tuyên bố loại trừ được bệnh Rubella ở Mỹ.
Phổ biến trên thị trường là vaccine MMR, bảo vệ chống lại lây nhiễm với bệnh sởi, quai bị và rubella, đường tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Vaccine MMR nên được sử dụng cho trẻ em liều đầu tiên ở độ tuổi 12 -15 tháng và liều thứ hai khi trẻ 4-6 năm tuổi. Hai liều vaccine MMR cung cấp bảo vệ chống lại ban đào trên 99% những người tiêm phòng. Tuy nhiên, khi đang có dịch thì cần tiêm phòng vaccin lần đầu cho trẻ em sớm hơn (lúc 6 tháng tuổi).
- Cách ly người bệnh
- Vệ sinh môi trường, ngoại cảnh, phòng ốc phải thông thoáng.
- Nâng cao thể lực: tập thể dục thể thao, sinh hoạt điều độ, ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
* Khuyến cáo:
Tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh rubella cho trẻ em 12 tháng tuổi và 4 năm tuổi.
Phụ nữ có thai chưa có miễn dịch nên tránh tiếp xúc với người bệnh rubella. Phụ nữ chuẩn bị có thai nên kiểm tra tình trạng miễn dịch của bệnh, nếu chưa có miễn dịch thì nên đi tiêm vaccine phòng bệnh. Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ có thể sẽ có thai trong vòng 3 tháng không nên tiêm vaccine phòng bệnh Rubella, bởi tác hại của vaccine rubella đối với sự phát triển của phôi thai cho đến nay vẫn chưa biết rõ.
Những người bị ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như những người có HIV / AIDS và những người mắc bệnh ung thư đang trải qua hóa trị liệu, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ của họ trước khi chủng ngừa rubella.
Tác giả: Ths.Bs. Lê Quang Trung
(Bản quyền thuộc trang web: phukhoahaiduong.com)